Giám đốc viện K: 'Ung thư không phải do quả báo'
Nhiều người nghĩ bị ung thư là do quả báo, nghiệp quật, trời hành, song thực tế bệnh ở mọi lứa tuổi, giới tính, sắc tộc, thành phần xã hội.
Phó giáo sư Lê Văn Quảng, tân Giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội, cho biết những định kiến sai lệch như thế này về bệnh ung thư không những xuất hiện ở người ít hiểu biết về kiến thức khoa học, mà cả giới có học thức.
Ung thư xuất hiện ở mọi vùng, mỗi xóm làng hay đơn vị đều có người mắc. Đa phần bệnh nhân ngoài 50 tuổi, khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích lũy để hình thành phát sinh bệnh.
"Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng cao hơn ở xã hội phát triển, nơi tuổi thọ người dân tăng cũng như liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hóa. Điều này cho thấy phần lớn trường hợp ung thư là do lối sống chứ không phải tại quả báo", phó giáo sư Quảng nói.
Ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với tác nhân sinh ung thư, gây thương tổn DNA tế bào không hồi phục. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, thoát ra khỏi sự kiểm soát sinh lý bình thường, xâm lấn phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Tác nhân từ môi trường, ăn uống chiếm tới khoảng 80% nguyên nhân sinh ung thư, như dùng thuốc lá, rượu, bức xạ ion hóa, tia cực tím... Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như di truyền, nhiễm vi sinh vật...
Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn lây nhiễm HPV, không tiêm phòng viêm gan B dẫn đến lây nhiễm, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời... Tuy nhiên có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được, như tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh. Càng nhiều tuổi, sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật càng giảm, thời gian tiếp xúc, tích lũy các yếu tố nguy cơ càng nhiều, ung thư càng dễ phát sinh.
Theo ông Quảng, rất may, chỉ dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn nội sinh từ bên trong cơ thể, các tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân không thay đổi được.
Có những trường hợp, bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây ung thư, vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong cuộc sống. Vì vậy, nhiều người tin rằng mình bị trời phạt do việc đã từng làm ở kiếp trước hoặc trong quá khứ.
Một định kiến sai lầm phổ biến khác là ung thư mà "đụng dao kéo" khiến bệnh lan tràn nhanh và tử vong sớm hơn. Hậu quả của quan niệm này cũng rất nguy hiểm, tai hại. Bệnh nhân sợ hãi, trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia, khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất.
"Thực tế, đối với đa số loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ở giai đoạn sớm", ông Quảng nói.
Ý nghĩa sai lầm nhất ở người bệnh ung thư là cho rằng ''ung thư là bản án tử hình", nếu điều trị thì cũng chỉ có thể sống thêm một thời gian ngắn. Hệ lụy của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị.
Các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Hiện tại Bệnh viện K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm.
Phó giáo sư Lê Văn Quảng khuyến cáo người dân cần thay đổi lối sống và tầm soát ung thư sớm. Ảnh: Hà Trần.
Nếu chỉ có niềm tin tâm linh không chữa khỏi ung thư
Niềm tin với bệnh nhân ung thư rất quan trọng, giúp họ lạc quan hơn, song không thể thay thế phác đồ điều trị, theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn.
Ung thư là bệnh lý của thể chất, không phải bệnh tinh thần, theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Do đó tin rằng cầu nguyện, tâm linh có thể chữa được bệnh là sai lầm. Nhiều người vì vậy đã bỏ lỡ thời gian vàng điều trị ung thư, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn, khó chữa, thậm chí đã ra đi nhanh chóng.
Bà Khánh, 53 tuổi, Đồng Nai, một bệnh nhân của bác sĩ Mẫn, là một ví dụ. Bà phát hiện ung thư gan giai đoạn 2 vào năm 2018. Nghe lời người thân, bà không phẫu thuật, hóa trị theo phác đồ của bác sĩ mà về nhà niệm chú, cầu nguyện khỏi bệnh. Đến khi các cơn đau dồn dập, khiến bà "chết đi sống lại", cơ thể suy kiệt, người nhà mới đưa đến bệnh viện. Ung thư gan đã di căn, tiên lượng sống còn vài tháng.
"Chính họ đã tự tước đi cơ hội sống lâu, sống khỏe của chính mình", bác sĩ Mẫn nói.
Bác sĩ Mẫn chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Ảnh Minh Trí.
Theo bác sĩ, xưa, ung thư được xếp vào tứ chứng nan y: lao - phong - xơ gan cổ trướng - ung thư, biết bệnh mà không thể chữa khỏi. Song, khi y học hiện đại phát triển, các bốn loại đều có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Định kiến "ung thư là chết" đã lỗi thời.
Ung thư là bệnh lý của thể chất, do các tế bào đột biến bất thường phát sinh trong cơ thể. Hậu quả của nó khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, ốm yếu, mất sức lao động... và tổn thương tinh thần. Ung thư không phải bệnh về tâm lý. Vì vậy, để chữa khỏi ung thư, chỉ có một con đường duy nhất là tiêu diệt và ngăn chặn tế bào ung thư di căn.
Niềm tin với bệnh nhân ung thư rất quan trọng. Cùng với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, đông y, sự lạc quan và niềm tin sẽ khỏi bệnh... góp phần làm hệ miễn dịch mạnh hơn. khiến bệnh nhân tin tưởng thầy thuốc, phác đồ, quá trình tiếp nhận và điều trị thoải mái, hiệu quả hơn, cả về thể chất, tâm lý và xã hội.
Nhìn nhận đúng, niềm tin về mặt tôn giáo, tín ngưỡng tác dụng chủ yếu đến đời sống tinh thần, tác động trên thể xác rất ít. Bác sĩ Mẫn khẳng định: "Không có chuyện niềm tin thay thế hoàn toàn thuốc trong chữa trị ung thư. Liệu pháp tinh thần chỉ là hỗ trợ".
Chữa ung thư chỉ bằng niềm tin tâm linh là phản khoa học. Lý do, tế bào ung thư liên tục phát triển, chúng phân chia vượt khỏi tầm kiểm soát, phá hủy hệ miễn dịch. Nếu chỉ tin rằng bệnh sẽ hết mà mặc kệ khối u, thì làm đời sống thu ngắn lại, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân ung thư không được nhầm lẫn giữa niềm tin đơn thuần và niềm tin quá đáng, mê muội, mê tín dị đoan. Mắc ung thư là do lối sống thiếu lành mạnh, do môi trường, hoàn toàn không phải vì "nghiệp quật, quả báo". Trả loại "nghiệp" này bằng bùa chú, tạt nước, cúng bái... không có tác dụng, chỉ hao tổn tiền bạc, sức khỏe.
Trong liệu trình điều trị ung thư, các bác sĩ chăm sóc tâm lý cho người bệnh ngay từ đầu, từ khi có chẩn đoán chính xác và kéo dài đến sau khi bệnh nhân đã khỏi, hoặc tử vong. Bệnh càng nghiêm trọng, vai trò tâm lý càng sâu.
Riêng đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn, thời gian sống còn khoảng một năm, 75% trong số họ bị dày vò bởi các cơn đau vừa đến nặng. Giai đoạn này, bác sĩ điều trị chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ. Liệu pháp tinh thần càng quan trọng, để người bệnh bớt khổ đau, âu lo, chấp nhận sự thật, cải thiện chất lượng sống, có giai đoạn sống cuối cùng nhẹ nhàng.
Bác sĩ Mẫn khuyên người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời bệnh tật. "Nếu mắc ung thư, bệnh nhân có thể đi chùa, nhà thờ, tâm sự với người thân, gặp bác sĩ tâm lý để có chỗ dựa tinh thần. Nhưng chắc chắn phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ mới có thể khỏi bệnh, kéo dài sự sống", bác sĩ nói.