logo
  • Seta clinic Hà Nội
  • Liệu pháp miễn dịch tự thân
  • Hotline: 0975381102
  • Thứ 2 – Thứ 7: 8:00am – 6:00pm

TÂM LÝ HỌC TRONG UNG THƯ

NÊN LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN UNG THƯ?

 

Chờ đợi

          Khi một khối u hay một triệu chứng khiến người thân của bạn phải đi khám bệnh, có thể phải mất nhiều ngày để thực hiện các xét nghiệm hoặc chờ đợi kết quả xét nghiệm. Trong khoảng thời gian này, cả bạn và người thân của bạn đều không biết đang phải đối mặt với điều gì. Trong tâm trí của bạn và người thân của bạn có thể sẽ có đủ loại ý nghĩ.

Đây thường là khoảng thời gian rất đáng sợ. Nếu người thân của bạn tâm sự với bạn thì có lẽ là vì họ cần được chia sẻ những lo lắng của họ. Có thể họ chỉ cần bạn lắng nghe và cố gắng giúp họ hi vọng vào khả năng tốt nhất. Chờ đợi luôn thật khó khăn, nhưng nếu có ai đó cùng chờ đợi thì gánh nặng này sẽ vơi nhẹ bớt.

Có những người có thể cảm thấy họ bị ung thư trước khi họ được nghe điều đó từ bác sĩ. Mỗi người có những phản ứng với chẩn đoán ung thư theo cách riêng của họ. Một số người có thể muốn kể chi tiết về những điều mà bác sĩ đã nói với họ. Những người khác lại hoàn toàn không muốn nói gì về điều đó. Đôi khi, nhu cầu nói chuyện và chia sẻ của một người có thể thay đổi mỗi ngày. Để biết người thân của bạn cần gì, bạn chỉ cần đơn giản là hỏi họ một cách trực tiếp và tôn trọng xem họ có muốn nói với bạn không.

Khi đã xác định chắc chắn đó là ung thư

          Khi đã chẩn đoán xác định là ung thư, bác sĩ nên là người nói với người bệnh. Có ai đi cùng người bệnh đến gặp bác sỹ lần này không? Người bệnh có muốn ai đi cùng với họ không? Bạn hãy suy nghĩ xem mình có nên ở đó cùng người bệnh khi bác sỹ trả kết quả xét nghiệm không. Đôi khi bác sĩ sẽ nói chuyện với người bệnh và một người nhà cùng lúc, điều đó mang lại cho người bệnh cảm giác được hỗ trợ - họ thấy rằng họ không phải một mình đối mặt với căn bệnh ung thư. Nhưng có một số người bệnh lại muốn một mình nói chuyện với bác sĩ. Vì vậy hãy hỏi người bệnh xem họ có muốn bạn đi cùng đến nhận kết quả xét nghiệm không. Cách thức bác sĩ thông báo tin bị ung thư cho người bệnh phụ thuộc vào phong cách cá nhân của mỗi bác sĩ và đánh giá của họ về nhu cầu và cảm xúc của người bệnh. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến lượng thông tin bác sĩ cung cấp cho người bệnh. Bác sĩ cũng coi trọng và tính đến các biểu hiện, câu hỏi và người đi cùng người bệnh trong cuộc gặp để quyết định những thông tin đưa ra trong cuộc gặp.

Hầu hết các bác sĩ sẽ trung thực về chẩn đoán, lựa chọn điều trị, và triển vọng điều trị. Cách tiếp cận trung thực ngay từ đầu tạo tiền đề cho mối quan hệ tin cậy giữa bác sĩ, người bệnh và người thân của người bệnh. Điều này làm cho các cuộc nói chuyện được cởi mở, thẳng thắn giúp cho người bệnh lựa chọn được phương thức chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho họ. Các điều dưỡng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn những điều bác sĩ đã nói với bạn và  là nguồn thông tin và hỗ trợ đáng kể. Hầu hết các bác sĩ coi việc trung thực về chẩn đoán, lựa chọn điều trị và triển vọng điều trị là tôn chỉ làm việc.

 


Nếu bạn đi cùng người bệnh đến nhận kết quả xét nghiệm

Mọi người thường bị sốc khi lần đầu tiên họ nghe thấy từ “Ung thư”. Có lẽ thật khó để họ nghe và nhớ bất cứ điều gì sau đó. Nhiều người chỉ có thể tiếp nhận một lượng nhỏ thông tin nếu đó là thông tin buồn rầu tiêu cực. Nếu bạn ở bên người bệnh lúc đó, hãy cố gắng tập trung chú ý. Bạn có thể mang giấy bút để ghi lại thông tin. Sau này người bệnh có thể cần bạn giúp nhớ lại và giải thích những gì bác sỹ đã nói.

          Sau này, khi bạn nói về việc đi cùng người bệnh đến gặp bác sĩ, nếu bạn cảm thấy người bệnh đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin mà bạn chia sẻ, hãy từ tốn, chậm rãi. Đừng đi vào nhiều chi tiết cùng lúc. Hãy hỏi xem người bệnh đã biết những gì. Cố gắng trả lời các câu hỏi cụ thể mà họ có thể đưa ra.

Nếu cuộc nói chuyện vẫn còn là quá sức với người bệnh, hãy nhắc họ rằng những người thân yêu, gia đình bạn bè và đội ngũ chăm sóc người bệnh ung thư luôn ở bên họ, quan tâm lo lắng và sẵn sàng nói chuyện với họ về bệnh tật bất cứ khi nào họ muốn. Nếu bạn thấy không thoải mái khi nói về bệnh ung thư, bạn có thể không phải người tốt nhất để người bệnh nói chuyện vào lúc này. Có lẽ bạn cần chút thời gian để vượt qua cảm xúc của chính mình. Bạn thậm chí có thể giải thích với người bệnh rằng bạn đang gặp khó khăn khi nói về ung thư. Hãy nói với họ rằng bạn muốn nói chuyện với họ, nhưng cảm thấy mình không phải người tốt nhất lúc này. Nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tư vấn, hoặc một người bạn khác hoặc thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ người bệnh tốt hơn tại thời điểm này. Bạn có thể gợi ý để người bệnh tìm sự hỗ trợ từ họ.

          Hãy chắc chắn là người bệnh hiểu được rằng khó khăn của bạn khi nói về chuyện ung thư là vấn đề của bạn chứ không phải của người bệnh. Bạn cũng có thể cho họ biết rằng bạn rất muốn ở bên họ, trợ giúp họ bất chấp khó khăn này của bạn, và hi vọng sẽ làm được điều đó trong tương lai. Giải thích với họ rằng bạn cũng cần một chút thời gian để tự điều chỉnh và cân bằng bản thân.

 

Dich từ www.cancer.org của Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn: https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/hearing-the-news.html truy cập ngày 3/7/2020

Người dịch: Điều dưỡng Bùi Thị Hằng Nga – Đơn vị Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội

Hiệu đính. ThS. BS. Nguyễn Thanh Hằng – Đơn vị Hợp tác quốc tế Nghiên cứu Khoa học, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

 

ỨNG XỬ VỚI NGƯỜI THÂN BỊ UNG THƯ

NÓI CHUYỆN

Một trong những cách cơ bản để gợi mở cuộc nói chuyện là không chỉ hỏi “Anh/chị cảm thấy thế nào?” mà còn hỏi “Anh/chị cảm thấy gì?”. Câu “Anh/chị khỏe không?” là một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà chúng ta thường hỏi khi bắt đầu nói chuyện, nhưng có thể đây là câu hỏi quá xã giao.

Câu trả lời thường thấy là “Tôi ổn” hoặc “Tốt” - Sau đó chúng ta sẽ khó có thể nói chuyện nhiều với nhau. Khi bạn hỏi “Anh/chị cảm thấy gì ?”, cuộc nói chuyện có thể tiếp tục mở rộng hơn. Câu hỏi này sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy rằng chúng ta thực sự quan tâm hiện giờ cuộc sống của họ ra sao.
 

Khi chúng ta hỏi “Anh/chị cảm thấy gì?” hãy chuẩn bị tinh thần để nghe bất cứ điều gì. Người thân bị ung thư của bạn có thể đang nghĩ đến rất nhiều thứ như cái chết hoặc họ đang lo lắng đến tương lai của gia đình họ. Có thể họ nói với bạn rằng họ sợ họ sẽ không sống được đến lúc nhìn thấy con cái họ trưởng thành. Hãy chuẩn bị nghe bất cứ điều gì từ người bệnh. Bạn có thể không cần đáp lời, nhưng bạn cần chuẩn bị tinh thần để lắng nghe về nỗi đau hay những ý nghĩ không hề vui vẻ của người bệnh khi bạn hỏi họ câu này.

Những người bệnh ung thư đôi khi muốn được nghe ý kiến của người thân về tình trạng bệnh tật, điều trị, và triển vọng điều trị của họ. Hãy thành thật và cởi mở, nhưng đừng cố trả lời những câu hỏi mà bạn không biết câu trả lời. Người bệnh sẽ cảm nhận được sự chân thành của bạn và trân trọng điều đó.

CHUNG SỐNG VỚI UNG THƯ

Ung thư thường là bệnh kéo dài và người bệnh được điều trị trong nhiều năm. Đôi khi, những người thân của người bệnh ban đầu rất gắn bó, nhưng ngày càng trở nên xa cách khi việc điều trị diễn ra trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Người thân cảm thấy kiệt sức sau thời gian dài chăm sóc người bệnh ung thư là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được những người thân hỗ trợ về mặt tinh thần trong suốt thời gian bệnh tật.

Hãy nhớ rằng động viên và hỗ trợ có thể giúp người bệnh ung thư lấy lại hy vọng, ngay cả khi họ cảm thấy đã bị bệnh ung thư hoặc việc điều trị ung thư kéo dài làm cho suy sụp. Ngoài ra, sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè giúp người bệnh ung thư có một cuộc sống bình thường nhất có thể. Vì vậy, nếu bạn là người hỗ trợ cho người thân đang bị ung thư, hãy cố gắng duy trì lâu dài vai trò này. Nếu lúc đầu bạn ở bên người bệnh nhưng sau đó lại rút lui hoặc quay lưng lại với họ, bạn sẽ khiến họ - người đang rất cần bạn, cảm thấy rất thấy đau khổ, cách cư xử này thậm chí làm người bệnh cảm thấy tệ hơn cả khi bạn chưa bao giờ ở bên họ.

Thật khó để tự nhận ra bạn đang vượt quá ranh giới khi bạn đối xử người thân bị bệnh chỉ như một “người bệnh ung thư”,  không còn giống với cách mà bạn vẫn đối xử với người thân, bạn bè hay thành viên gia đình. Vì vậy hãy khuyến khích người thân bị ung thư nói cho bạn biết nếu họ thấy bạn vượt quá ranh giới này. Người bệnh ung thư sẽ cảm thấy rất trân trọng khi những người thân, bạn bè của họ nhớ rằng họ từng là một người không bị ung thư - họ vẫn có những điểm mạnh và điểm yếu, sở thích, quan tâm, và những phần của cuộc sống không liên quan gì đến ung thư. 
 

NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI BỆNH SAU KHI ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN UNG THƯ

Trút giận và thất vọng: người bệnh ung thư đôi khi bộc lộ và trút sự tức giận và thất vọng của họ lên những người xung quanh. Điều này có thể làm người thân của họ cảm thấy rất buồn và bị tổn thương. Cần nhớ rằng mọi người thường bộc lộ cảm xúc của mình với những người gần gũi nhất với họ. Họ làm thế vì những người thân thiết nhất là nơi an toàn để xả bức xúc. Họ biết rằng người thân sẽ vẫn luôn ở bên họ, ngay cả khi họ cư xử không tốt hoặc gây căng thẳng.

Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh thực sự cảm thấy thất vọng và giận dữ về căn bệnh ung thư và những mất mát mà nó mang lại và điều này khó có thể diễn đạt thành lời. Vì vậy, họ có thể mang sự giận dữ đó trút lên lên gia đình, bạn bè hoặc bất cứ ai ở xung quanh vào thời điểm đó.

Ứng xử thụ động: Đôi khi một người mắc bệnh ung thư dường như trở nên trẻ con và thụ động, tìm đến người khác để được chỉ bảo. Sẽ thật khó xử cho một người con trưởng thành khi nhìn thấy cha mẹ hành động theo cách này. Hãy cố gắng hiểu rằng đây là một cách người bệnh biểu lộ cảm giác bất lực và sợ hãi. Những cảm giác này rất thường gặp ở người bệnh ung thư.

Mặc dù căn bệnh này có thể hạn chế khả năng làm một số công việc và sinh hoạt của người bệnh ung thư, nhưng tốt nhất là người thân nên cố gắng giữ cho họ có cuộc sống bình thường nhất có thể. Tiếp tục làm một người trưởng thành có trách nhiệm là cách để người bệnh cảm thấy tự chủ, tự tin và có ý nghĩa. Tạo cho người bệnh cảm giác phụ thuộc vào người thân có thể khiến người bệnh thấy bất lực và mất tự chủ hơn, làm cho họ có cảm giác họ là nạn nhân. Người thân có thể cảm thấy cần chăm sóc bảo bọc người bệnh thật kỹ, nhưng về lâu dài điều này có thể sẽ không có lợi cho người bệnh.

Sợ hãi và lo lắng: Giai đoạn chẩn đoán và điều trị ung thư luôn là một khoảng thời gian lo lắng và bất an. Người bệnh sẽ cảm thấy sợ hãi về những thay đổi đến cùng với bệnh ung thư – thay đổi về thu nhập và công việc, thay đổi về cơ thể và ngoại hình, và thậm chí thay đổi trong các mối quan hệ cá nhân. Bởi vì có quá nhiều lo lắng trong cuộc sống, người bệnh có thể buồn bã hoặc sợ hãi vô cớ. Đôi khi sự lo lắng bất an của người bệnh có thể làm họ trở nên xấu tính và cay nghiệt. Là người thân của họ, bạn có thể thấy mình bất hòa hoặc xung đột với người bệnh trong khi bạn chỉ muốn giúp đỡ họ.

Đổ lỗi: Đôi khi những người bệnh ung thư đổ lỗi cho bản thân mắc căn bệnh này là vì những điều họ đã làm hoặc đã không làm. Là một người thân của họ, bạn cũng có thể cảm thấy có lỗi hoặc bạn cũng có thể cho rằng họ có lỗi. Có khi bạn thể hiện điều này bằng cách thay đổi cách ứng xử với người bệnh. Các thành viên khác trong gia đình có thể có những cảm xúc tương tự.

NGƯỜI THÂN NÊN LÀM GÌ KHI ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG HÀNH XỬ NÀY CỦA NGƯỜI BỆNH:

Cố gắng không phản ứng cảm tính với những thay đổi của người bệnh. Bạn cần hiểu rằng những thay đổi này thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, và xuất phát từ nỗi sợ hãi và lo lắng vốn là một phần của tình trạng bệnh ung thư.

Đổ lỗi cho bản thân và đổ lỗi lẫn nhau có thể là rào cản cho một mối quan hệ lành mạnh. Cố gắng không đổ lỗi. Hãy động viên người bệnh đừng tự trách bản thân vì những gì đang xảy ra. Nhìn về phía trước là lựa chọn duy nhất. Nếu bạn cảm thấy có lỗi với tư cách là một người thân của người bệnh, bạn có thể bày tỏ sự hối hận, xin lỗi họ và tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp. Cố gắng không sống trong quá khứ, mà tập trung vào một tương lai đầy hy vọng.

Trong thời gian này, bạn sẽ cần bỏ qua một số hành vi ứng xử tiêu cực của người bệnh và sẵn lòng mang đến cho họ sự tha thứ, thấu hiểu và hỗ trợ nhiều hơn. Hãy cho người bệnh thời gian để tự điều chỉnh. Hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của họ và nghĩ xem nếu điều này xảy ra với bạn thì bạn sẽ sợ hãi như thế nào. Khi có sự cảm thông này, bạn sẽ bỏ qua được những tranh cãi và rắc rối nhỏ nhặt để cùng người bệnh tiếp tục sống và duy trì tình cảm thân thiết.

Nguồn: Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ. www.cancer.org
Đường dẫn:
https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/communication.html
https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/living-with-cancer.html
https://www.cancer.org/treatment/caregivers/listen-with-your-heart/ways-of-coping.html

Truy cập ngày 4/8/2020

Biên dịch: ĐD Hoàng Thu Phương, Đơn nguyên Nội Yêu cầu 1, BVUBHN

Hiệu đính: Ths.Bs. Nguyễn Thanh Hằng, ĐV HTQT-NCKH