Điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III là điều trị đa mô thức bao gồm kết hợp phẫu thuật, tia xạ và các liệu pháp toàn thân. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, thể trạng bệnh, các bệnh lý kèm theo cũng như mong muốn điều trị, điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Giai đoạn III được phân chia thành giai đoạn IIIA, IIIB và IIIC.
Phẫu thuật chủ yếu được cân nhắc chỉ định ở giai đoạn IIIA, còn lại đại đa số các bệnh nhân ở giai đoạn III, bệnh thường không còn khả năng phẫu thuật, điều trị hóa xạ trị đồng thời là điều trị tiêu chuẩn. Các phác đồ hóa trị được sử dụng dựa trên nền tảng platinum như: Etoposide – Cisplatin, Paclitaxel – carboplatin, Pemetrexed – Cisplatin, Vinorelbin – Cisplatin,...
Trước kia, với những bệnh nhân đạt đáp ứng hay ổn định bệnh sau khi kết thúc hóa xạ trị đồng thời, bệnh nhân sẽ được ra viện theo dõi, khám định kỳ. Bởi lẽ các nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc sử dụng liệu pháp hóa trị toàn thân tiếp theo sau hóa xạ trị không giúp kéo dài kiểm soát bệnh cũng như cải thiện thời gian sống thêm cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, gần đây với sự ra đời và phát triển của liệu pháp miễn dịch, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, thử nghiệm quốc tế ngẫu nhiên pha 3 - PACIFIC, đã chứng minh hiệu quả của thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch - Duvarlumab trong điều trị củng cố cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III, không thể phẫu thuật, không có tiến triển bệnh sau hóa xạ trị đồng thời. Durvalumab, bản chất là một kháng thể đơn dòng IgG1 ở người có tính chọn lọc, ái lực cao, được thiết kế để ngăn chặn liên kết PD-L1 với PD-1 và CD80, cho phép các tế bào lympho T nhận ra và tiêu diệt các tế bào khối u. Hơn nữa, các bằng chứng tiền lâm sàng cho thấy hóa trị và xạ trị trước đó, có thể điều chỉnh làm tăng sự bộc lộ PD-L1 trên tế bào u, là một trong những yếu tố thuận lợi cho đáp ứng với liệu pháp miễn dịch.
3 Qua nghiên cứu, điều trị củng cố sau kết thúc hóa xạ trị với Duvarlumab đã chứng minh làm kéo dài thời gian sống thêm không bệnh tiến triển trung vị lên tới 17,2 tháng và thời gian sống thêm toàn bộ trung vị lên tới 47,5 tháng so với nhóm bệnh nhân không được điều trị củng cố với durvalumab tương ứng là 5,6 tháng và 29,1 tháng. Ngoài ra, trong kết quả cập nhật mới nhất, có đến 43% bệnh nhân được điều trị củng cố với durvalumab sau hóa xạ trị đồng thời sống lên đến 5 năm và sau 5 năm có đến hơn 30% bệnh nhân vẫn chưa tiến triển. 4,5 Trên cơ sở những kết quả này, durvalumab đã được phê duyệt cho điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III không thể phẫu thuật mà bệnh không tiến triển sau khi hóa xạ trị trên thế giới và cũng như tại Việt Nam.
Duvarlumab được dùng củng cố 2 tuần 1 lần trong vòng 1 năm, và khuyến cáo nên được bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt, trong vòng tối đa 42 ngày sau khi kết thúc hóa xạ trị. Vì vậy, nếu bệnh nhân có nguyện vọng điều trị với Duvarlumab, nên được trao đổi với bác sĩ và lên kế hoạch điều trị ngay từ ban đầu, để tránh sự chậm trễ trong quá trình điều trị. Khi kết thúc với hóa xạ trị, bệnh nhân cần được chụp phim đánh giá đáp ứng của bệnh cũng như các marque phân tử như xét nghiệm gen EGFR, PD-L1 trước khi bắt đầu điều trị với Duvarlumab.
Về tác dụng không mong muốn của Duvarluamb nói riêng cũng như liệu pháp miễn dịch nói chung, có thể biểu hiện trên nhiều cơ quan trong cơ thể và ở bất kỳ mức độ nào, tuy nhiên phần lớn các tác dụng phụ xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hồi phục nếu được phát hiện sớm và điều trị một cách thích hợp.
Thường gặp nhất như mệt mỏi, phát ban trên da, độc tính trên tiêu hóa (viêm đại tràng, đau bụng, viêm gan..), hay trên cơ quan nội tiết (rối loạn chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận)... Ngoài ra, tác dụng phụ trên hô hấp, như viêm phổi, tuy ít gặp (3-5%) nhưng là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây tử vong liên quan đến miễn dịch.
6 Viêm phổi đặc biệt được quan tâm và là biến cố hay gặp nhất khi sử dụng Duvarlumab, bởi trên những bệnh nhân này tia xạ, cũng như hóa chất trước đó cũng làm tăng nguy cơ viêm phổi cho bệnh nhân. Vì vậy trong quá trình điều trị cần phải có sự theo dõi sát của bác sĩ lâm sàng cũng như sự phối hợp tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu có triệu chứng nào mới xuất hiện, hay triệu chứng cũ đã có nhưng nặng lên hoặc bất cứ điều gì khiến bệnh nhân cảm thấy lo lắng, bất thường, để được khám, theo dõi sát nhằm phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn và điều trị kịp thời.
Ngoài Duvarlumab, hiện tại còn có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng đánh giá vai trò của các tác nhân miễn dịch khác trên nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III. Như nghiên cứu pha II, đa trung tâm, đa quốc gia ASTRES đang được thực hiện, đánh giá vai trò của Aterzolizumab trong điều trị củng cố cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III sau hóa xạ trị đồng thời.
Một nghiên cứu khác, nghiên cứu IMPOWER 010 đã chứng minh hiệu quả của Aterzolizumab giúp kéo dài thời gian sống thêm không bệnh tiến triển trong điều trị bổ trợ tiếp sau phẫu thuật và hóa chất bổ trợ trên nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ nhỏ giai đoạn II – IIIA. Hay nghiên cứu CHECKMATE 816 chứng minh hiệu quả của Nivolumab kết hợp với hóa trị trong điều trị tân bổ trợ trước phẫu thuật ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IB – IIIA.
Các nghiên cứu này cho thấy hiệu quả bước đầu khá khả quan, và đầy hứa hẹn, tuy nhiên, cần thời gian theo dõi lâu dài hơn cũng như đánh giá hiệu quả của thuốc trên thời gian sống thêm toàn bộ, và hiện tại chưa được phê duyệt trên thực hành lâm sàng tại Việt Nam.
Tóm lại, với sự phát triển và tiến bộ của khoa học y học hiện nay, các liệu pháp điều trị tiến tiến đặc biệt là liệu pháp miễn dịch đã cải thiện hiệu quả điều trị, mở ra cơ hội điều trị mới cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Trong đó, điều trị củng cố với Duvarlumab sau hóa xạ trị đồng thời trên nhóm bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn III, không thể phẫu thuật là một ví dụ minh chứng, giúp cải thiện kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, mang lại hy vọng cho cả bác sĩ lâm sàng cũng như bệnh nhân trong bối cảnh quản lý bệnh ung thư phổi nói chung.
Hiện tại có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp miễn dịch đang được tiến hành, chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng ngày càng có nhiều hơn nữa các bước tiến mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Torre LA, Bray F, Siegel RL, et al. Global cancer statistics, 2012. CA Cancer J Clin 2015; 65:87.
Ramalingam S, Belani C. Systemic chemotherapy for advanced non-small cell lung cancer: recent advances and future directions. Oncologist. 2008;13:s5–13.
Deng L, Liang H, Burnette B, et al. Irradiation and anti-PD-L1 treatment synergistically promote antitumor immunity in mice. J Clin Invest 2014;124:687-695
Antonia SJ, Villegas A, Daniel D, et al. Overall Survival with Durvalumab after Chemoradiotherapy in Stage III NSCLC. N Engl J Med 2018; 379:2342.
Faivre-Finn C, Vicente D, Kurata T, et al. Durvalumab after chemoradiotherapy in stage III NSCLC: 4-year survival update from the phase III PACIFIC trial. Ann Oncol 2020; 31S: ESMO #LBA49.
Naidoo J, Page DB, Li BT, et al. Toxicities of the anti-PD-1 and anti-PD-L1 immune checkpoint antibodies. Ann Oncol. 2015;26(12):2375–2391.